Phủ biên tạp lục
Phủ biên tạp lục là bộ sách do Lê Quý Đôn biên soạn vào năm 1776. Sách gồm sáu quyển, trong đó quyển 1 và quyển 2 có những ghi chép liên quan đến Hoàng Sa. Đặc biệt, quyển 2 đã dành nhiều trang miêu tả về địa lý và hình thế của quần đảo Hoàng Sa, mà Lê Quý Đôn gọi là Đại Trường Sa, cùng quá trình khai thác, xác lập chủ quyền trên vùng biển đảo này thông qua hoạt động của đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải dưới thời chúa Nguyễn.
Trong sách có đoạn viết: Trước, họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người ở xã An Vĩnh sung vào. Mỗi năm luân phiên ra biển, cứ vào tháng Giêng nhận lệnh sai dịch, mang theo lương thực đủ dùng sáu tháng, đi bằng năm chiếc thuyền câu nhỏ, đi suốt ba ngày ba đêm thì đến được đảo này. Cho đến nay, Phủ biên tạp lục là tư liệu cung cấp thông tin đầy đủ nhất về Hoàng Sa và hoạt động của hai đội Hoàng Sa và Bắc Hải, cho biết chúa Nguyễn không chỉ khai thác Hoàng Sa mà đã vươn ra làm chủ các vùng biển Bắc Hải (nay là quần đảo Trường Sa) và các vùng biển đảo phía nam như Bình Thuận, Côn Lôn, Hà Tiên… ngay từ đầu thế kỷ XVIII.